Sắc xanh “chiều chuộng” đôi mắt, cây xanh là chất xúc tác của hạnh phúc

Sắc xanh “chiều chuộng” đôi mắt, cây xanh là chất xúc tác của hạnh phúc

Màu xanh giúp mắt được nghỉ ngơi
Bác sĩ nhãn khoa thường khuyên: “chúng ta nghỉ mắt, nhìn ngắm cây xanh trong 5-15 phút sau khoảng thời gian làm việc liên tục”. Điều này một phần bởi xanh lục là màu sắc mắt ta có thể dễ dàng tiếp nhận mà không phải hoạt động quá nhiều.


Theo CNN, lớp võng mạc trong mắt có thể nhận diện ánh sáng trong bước sóng từ 400 đến 700 nm. Mỗi màu sắc tương ứng với bước sóng khác nhau, trong đó màu xanh da trời có mức sóng thấp nhất (400 nm) và màu đỏ có mức cao nhất (700 nm).

Với bước sóng khoảng 550 nm, màu xanh lá nằm chính giữa quang phổ, khiến mắt không mất nhiều thời gian để nhận diện. Do đó, hệ thần kinh có thể “nghỉ ngơi” mỗi lần nhìn thấy màu xanh lá cây.

Cây xanh là chất xúc tác cho hạnh phúc

Theo nhà thần kinh học Richard Cytowic, khi ngắm nhìn cây xanh, hệ thần kinh đối giao cảm – nơi kích hoạt phản ứng rest-and-digest (nghỉ ngơi và tiêu hóa) hoạt động mạnh mẽ hơn. Điều này giúp làm dịu lại toàn bộ cơ thể, mang lại cảm giác thư giãn.


Theo một nghiên cứu khác của Đại học California (Mỹ), quan sát cây cối cũng làm giảm hoạt động của hạch hạnh nhân (amygdala). Đây chính là bộ phận chuyên phản ứng với lo lắng, sợ hãi. Do đó, cấu trúc não của người sống gần cây cối thường có khả năng vượt qua stress tốt hơn những người khác.

Điều này cũng được chứng minh qua một thí nghiệm của giáo sư Roger Ulrich và các đồng nghiệp tại Đại học Texas A&M (Mỹ). Thí nghiệm quan sát kết quả chụp cộng hưởng từ não (fMRI) của 2 nhóm người đi bộ trong cảnh thiên nhiên và khu vực đô thị trong 90 phút.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh mức độ trầm tư (rumination) – hành vi liên tục suy nghĩ trong lo âu giữa hai nhóm. Kết quả cho thấy, nhóm đi trong thiên nhiên có mức trầm tư giảm áp đảo so với nhóm còn lại.

Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu, tiến sĩ Gregory Bratman cho người tham gia điền khảo sát về cảm xúc khi ngồi ở nơi nhiều cây và ít cây. Sau đó họ được về, nhưng nếu muốn, họ có thể gấp hạc cho một chương trình cứu trợ tại Nhật. Kết quả cho thấy người ngồi ở khu nhiều cây gấp nhiều hạc hơn ở khu vực còn lại.

Theo tiến sĩ Bratman, việc gần gũi với tự nhiên dễ khiến con người thấy mình nhỏ bé trong thế giới rộng lớn. Từ đó, bạn cảm thấy vấn đề của bản thân nhẹ nhàng hơn, trở nên rộng lượng và thấu cảm hơn với người khác. Đây chính là “chất xúc tác” cho mức độ hài lòng, hạnh phúc trong cuộc sống.

Nguồn tổng hợp

Xem bài viết về nghệ thuật tắm rừng tại đây:
TẮM RỪNG LÀ GÌ VÀ VÌ SAO BẠN NÊN THỬ ?